“Tôi là con mèo” (Wagahai wa neko dearu) là tiểu thuyết đầu tay của Natsume Soseki, một kiệt tác châm biếm sâu sắc về sự lố lăng của làn sóng Âu hóa tại Nhật Bản thời Minh Trị. Tác phẩm này không chỉ đưa tên tuổi Natsume Soseki trở thành một trong những nhà văn lớn nhất Nhật Bản cận đại mà còn là bức tranh sống động về xã hội Nhật Bản trong giai đoạn giao thoa văn hóa đầy biến động.
Sinh ra tại Tokyo năm 1867, Natsume Soseki là chứng nhân của thời đại chuyển giao từ Edo sang Meiji, từ truyền thống sang hiện đại. Mang trong mình tinh thần dân tộc mạnh mẽ, Soseki luôn trăn trở trước sự pha trộn, đôi khi kệch cỡm, giữa văn hóa phương Tây và truyền thống Nhật Bản. Chính điều này đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là “Tôi là con mèo”.
Lời kể của một chú mèo vô danh
Được xuất bản lần đầu năm 1905, giữa cuộc chiến tranh Nga-Nhật, “Tôi là con mèo” ban đầu chỉ dự định gồm 5 chương. Tuy nhiên, trước sự yêu mến của độc giả, Soseki tiếp tục sáng tác và hoàn thành tác phẩm với 11 chương vào năm 1907.
Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của một chú mèo không tên. “Tôi là con mèo. Tôi chưa có tên.” Đó là lời giới thiệu giản dị mà đầy ấn tượng, mở ra câu chuyện đầy châm biếm về xã hội Nhật Bản thời bấy giờ. Chú mèo quan sát, lắng nghe và tường thuật lại cuộc sống hàng ngày của thầy giáo Kushami – chủ nhân của nó – cùng những cuộc thảo luận triết học và nghệ thuật giữa Kushami và bạn bè.

Với phương châm “sự thật là sự thật, không thể dối trá được”, lời kể thành thật của chú mèo vừa thể hiện sự sáng suốt của một kẻ đứng ngoài cuộc, vừa phơi bày những thói hư tật xấu, sự hợm hĩnh của tầng lớp trí thức thời Minh Trị. Kiến thức uyên bác Đông-Tây kim cổ của Soseki được thể hiện một cách khéo léo, khi nghiêm túc, khi hài hước, nhưng luôn xuất phát từ trăn trở và tư tưởng nhân văn sâu sắc.
“Tôi là con mèo” là một tác phẩm đồ sộ, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa về con người và xã hội trong một thời kỳ biến động của Nhật Bản. Để cảm nhận trọn vẹn giá trị của tác phẩm, người đọc cần có hiểu biết nhất định về lịch sử, văn hóa và tâm lý người Nhật.
Nhật Bản trong cơn lốc Âu hóa
Hiện đại hóa, với sự chuyển biến từ xã hội phong kiến sang xã hội công nghiệp, đã mang đến những thay đổi sâu rộng cho Nhật Bản. Làn sóng Âu hóa lan rộng, từ kiến trúc, trang phục đến lối sống, tư tưởng. Tuy nhiên, sự tiếp nhận văn hóa phương Tây một cách thiếu chọn lọc, rập khuôn, đã dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Người Nhật thời Minh Trị, trong nỗ lực hiện đại hóa đất nước, đã chạy theo mọi thứ đến từ phương Tây, coi đó là biểu tượng của văn minh, sang trọng. Họ bắt chước một cách mù quáng, không phân biệt tốt xấu, phù hợp hay không. Điều này dẫn đến những biểu hiện kệch cỡm, lố lăng, tương tự như “tấn trò đời” mà Vũ Trọng Phụng đã đả kích trong “Số đỏ” ở Việt Nam thời Pháp thuộc.
Soseki không phản đối hiện đại hóa, nhưng ông phê phán sự bắt chước rập khuôn, sự sùng bái văn hóa phương Tây một cách mù quáng. Ông lên án tầng lớp tư sản mới chỉ biết chạy theo đồng tiền, đánh giá con người bằng những tiêu chí vật chất tầm thường.
Mối liên kết giữa ông giáo Kushami và chú mèo
Các nhân vật trong “Tôi là con mèo” đều được lấy cảm hứng từ những người xung quanh Soseki, từ bạn bè, học trò đến những người hàng xóm. Một số nhân vật thậm chí còn được giữ nguyên tên thật, như nhà thơ Masaoka Shiki và Takahama Kyoshi. Tất cả đều được khắc họa qua lăng kính trào phộng, hài hước, mang đậm chất hoạt kê.
Ông giáo Kushami, chủ nhân của chú mèo, là một trí thức sống khép kín, lạc lõng giữa xã hội. Ông đắm chìm trong thế giới riêng của mình, mua sách chỉ để trưng bày, theo đuổi những đam mê nửa vời. Ông đại diện cho một bộ phận người Nhật Bản không theo kịp với tốc độ hiện đại hóa chóng mặt, trở thành người bên lề xã hội, bị chế giễu và khinh khi.
Chú mèo, với khả năng quan sát tinh tường và suy nghĩ sắc bén, trở thành “bản sao” của Kushami. Nó hiểu rõ những suy tư, trăn trở của ông giáo, đồng thời cũng chia sẻ sự chán chường, bất lực trước xã hội. Mối liên kết đặc biệt giữa Kushami và chú mèo chính là sự phản chiếu nội tâm của Soseki, thể hiện cái nhìn nghiêm khắc của ông đối với bản thân và xã hội đương thời.
Xã hội của những kẻ điên
Qua “Tôi là con mèo”, Soseki đã xây dựng nên bức tranh chân thực về xã hội Nhật Bản thời Minh Trị, một xã hội mà ông giáo Kushami nhận định là “nơi tụ tập toàn những bọn điên”. Người Nhật trở nên hèn nhược, ích kỷ, sống giả dối và luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Từ những người bình thường như anh phu xe đến tầng lớp trí thức, tất cả đều bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền, của sự ganh đua, đố kỵ. Giới trí thức, thay vì đóng góp cho xã hội, lại đắm chìm trong những cuộc thảo luận vô bổ, những thú vui tầm thường.
Cái chết của chú mèo ở cuối truyện là biểu tượng cho sự bế tắc, bất lực của cá nhân trước những biến động xã hội. Nó cũng là lời cảnh tỉnh sâu sắc của Soseki về sự cần thiết phải nhìn nhận lại quá trình hiện đại hóa, tránh sa đà vào sự bắt chước mù quáng, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
FiStore – Điểm đến dành cho những tâm hồn yêu đọc sách.
- Website: https://fistore.vn/
- Điện thoại: 0987 604 721
- Địa chỉ: Số 25, Đường Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Email: [email protected]
FiStore là website chuyên review sách, cung cấp cho độc giả những bài đánh giá sách chuyên sâu, chất lượng và hữu ích. Chúng tôi mong muốn trở thành nguồn thông tin uy tín, đáng tin cậy cho cộng đồng yêu sách tại Việt Nam. Bên cạnh việc review sách, FiStore còn cung cấp các dịch vụ tư vấn lựa chọn sách, giới thiệu sách mới và tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ về sách.